Positive & Negative

Phàm mọi sự trên đời này dưới góc nhìn của mình đều luôn có hai mặt: “Phải - Trái”, “Đúng - Sai”, “Thiện - Ác” hay “Đẹp - Xấu” cũng đều có 2 mặt.
Tích cực và tiêu cực cũng vậy, tụi nó cũng có những mặt khác mà nhiều khi chúng ta bận quá, vội vàng quá mà không kịp nhận ra…

Rời khỏi thành phố mà mình trót thương, Măng Đen đón mình vào những ngày đầu tháng 5 - tháng của chút nắng và những cơn mưa rào. Mình mang theo một ít hành trang cùng với một cái đầu với toàn những suy nghĩ tối tăm và rối rắm… Cũng chính tại nơi này mình đã được học về 1 topic: ”Positive & Negative” tạm dịch: ”Tích cực & tiêu cực” - đây cũng là cảm hứng chính để mình viết lên bài viết này. Nội dung bài viết sẽ nói về cảm xúc tích cực và tiêu cực bên trong mỗi chúng ta. Cách để vượt qua hoặc sống chung với bọn tiêu cực, sống vui hơn, xàm hơn =))

Teacher Ben - người thầy truyền rất nhiều cảm hứng cho mình tại Le Plateau, nhân tố bí ẩn giúp bà Bảy bán hết trứng lộn

Negative - tiêu cực

Và có những ngày ễnh ương, khiến chúng ta thường hay mất ngủ...

—Khói - Em hãy ở nhà

Mình tin rằng không chỉ riêng mình mà phần không nhỏ trong số chúng ta ở đây đều có riêng cho mình những ngày ễnh ương rơi vào ưu tư, chầm cảm. Trong đầu lắm những suy nghĩ rối ren và tiêu cực. Chị ong bay qua cũng đủ làm chúng ta thấy bực bội, thấy ngứa cái con mắt.

Và đã bao giờ bạn bị cuốn vào vòng xoáy của suy nghĩ tiêu cực (spiralling negative thoughts)? Đó là cảm giác không thoát ra được, rồi cứ thế nó lan rộng ra, bao trùm một màu đen và sau đó nuốt chửng luôn tâm trí của bạn. Mình đã từng, và thật sự mùi vị của nó thật sự rất tệ, sâu thẳm và khắm hơn cả mắm tôm 😵

negative

Tiêu cực là một trong nhiều loại cảm xúc của con người. Bọn nó là loại gây cho chúng ta cảm giác đau khổ, buồn bã hay chán nản, kéo tâm trạng ta chùn xuống. Bị từ chối hay cảm giác khi thất bại là những ví dụ thường thấy của loại cảm xúc này. Nói chung làm việc với bọn này không mấy vui vẻ gì…

Light in the darkness

Tuy nhiên như mình đã nói, mọi thứ đều có 2 mặt, cảm xúc tiêu cực cũng có những mặt tích cực và nó là cần thiết. Tức giận để chống lại các vấn đề, sợ hãi giúp bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm, ghê tởm để từ chối những thứ không lành mạnh… Những điều này giúp chúng ta chuẩn bị và phòng vệ để tránh được những tình huống xấu. Ngoài ra những cảm xúc như lo âu, sợ hãi còn giúp chúng ta cẩn thận hơn khi chú trọng đến những chi tiết.

Chúng ta không chối bỏ, ghét gỏng, kì thị hay loại bỏ cảm xúc tiêu cực mà hãy đón nhận, xem nó như là một phần của mình.

Giống như đen và trắng,
thì nỗi buồn là một nửa cuộc đời.
Buồn ơi là buồn (Hoàng Dũng)

Positive - tích cực

Trong khoảng hơn một năm nay khi mà tết COVID diễn ra ở khắp mọi nơi - điều mà không một ai trong chúng ta muốn cả… Và những lúc như này, chúng ta cần nhiều hơn những năng lượng, suy nghĩ tích cực để cùng nhau vượt qua đại dịch.

positive

Với mình cảm xúc tích cực là những cảm xúc khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, vui vẻ và hài lòng khi trải nghiệm. Nó có thể đến từ những điều tưởng chừng đơn giản như khi bạn đi dạo phố và thấy một người dừng xe để cho một người bán vé số 50 nghìn. Một cái nắm tay bất chợt với người bạn thích, hay gương mặt hớn hở đầy niềm vui của một cậu học sinh lớp 12 báo tin cậu nhóc vừa đậu Đại học. Cũng có thể là cảm giác vui phát điên lên khi biết người bạn thích cũng thích bạn, chốt được những chiếc offers siêu ngon hay fix được con bug mà mình tốn cả tuần vẫn không fix được,…
Và hơn hết cảm xúc là một thứ dễ lây lan.

Trong thời gian này hãy thử trồng một cái cây, học nấu những món mình thích hay làm một số việc bình thường bạn không làm sẽ giúp cho chúng ta kiếm được chút niềm vui và năng lượng nhỏ nhỏ. Nghiêm cấm việc nói chuyện với chiếc nồi cơm điện đang lè lưỡi hay bàn ghế vì như thế chiếc quạt sẽ chỉ biết nhìn bạn và lắc đầu thôi 😆

Khi sự tích cực trở nên độc hại

Có một loại cảm xúc tích cực được gọi là ”Toxic positivity” - sự tích cực độc hại xảy ra từ những điều tích cực, nhưng lại làm chúng ta trở nên tiêu cực hơn (Lú cái não chưa 😂)

Hồi còn học cấp 3, mình hay đọc những sách self-help dạng như ”Suy nghĩ tích cực, bạn chính là những gì bạn nghĩ”, ừ thì đọc đó nhưng mình không tiêu hóa được. Hay những lời khuyên của bạn bè mình mỗi khi mình cần gỡ rối rằng: ”Hãy tích cực lên”. Những điều này thật sự không có tác dụng đối với mình, vấn đề vẫn còn nguyên ở đó không gỡ được.

Photo by Matteo Raw on Unsplash

Photo by Matteo Raw on Unsplash

Trên thực tế sự tích cực không phải lúc nào cũng tốt. Việc ”cố tỏ ra mình ổn nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng” để lại nhiều hậu quả và những tác dụng phụ không đáng có như:

  • Giảm động lực để cải thiện bản thân
    Sẽ rất khó để đạt được mục tiêu nếu chúng ta chỉ suy nghĩ (wish) mà không hành động.
  • Đánh giá sai thực tế.
    Tự tin hay tích cực thái quá sẽ khiến ta nhìn nhận vấn đề thiếu thực tế.
  • Khó kết nối với mọi người xung quanh, lờ đi cảm xúc tiêu cực..
    Khi phủ nhận cảm xúc của mình, chúng ta vô tình tạo nên vỏ bọc rằng mình ổn và thiếu cảm xúc tiêu cực sẽ khó giúp chúng ta đưa ra được quyết định đúng đắn
Vậy nên hãy nhìn nhận thực tế, biết chấp nhận cảm xúc của bản thân và người khác chính là chìa khóa.

Think positive, be positive &
positive things will happen.

—Cũng không biết ai nói, copy trên mạng cho bài viết có vẻ deep

Vấn đề đã có, giờ chúng ta sẽ tìm cách gỡ “—Còn thở là còn gỡ

Làm gì bây giờ…

Negativity bias - thiên vị tiêu cực. Một khái niệm nói về việc con người chúng ta thường “ưu ái” các suy nghĩ tiêu cực. Hay hiểu một cách đơn giản là chúng ta sẽ ấn tượng, ghi nhớ những điều tiêu cực nhiều hơn.

Có thể kể kết một số ví dụ như trên một trang giấy trắng, chúng ta chỉ chú ý đến một chấm mực. Hay khi mua một món ăn bạn thường sẽ nhớ nhiều hơn đến trải nghiệm không tốt như gói hàng xấu, thiếu đũa,… và lướt qua các yếu tố khác như giá tốt hay đồ ăn vừa miệng,…

Verywell / Brianna Gilmartin

Verywell / Brianna Gilmartin

Chính vì điều này xuất hiện thường xuyên trong thực thế nên việc tìm ra giải pháp sẽ giúp ta chủ động, kịp thời đưa vào đó những khía cạnh tích cực để cân bằng - bí kíp để tụi mình sống vui, sống khỏe.

1. Lắng nghe bản thân

Mình nghĩ đây là điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất. Việc lắng nghe bản thân mình muốn gì, cần gì, cảm thấy như thế nào sẽ giúp bạn sẽ tự tìm cho mình được đáp án, một đáp án mà không một ai có thể đưa ra giúp bạn.

Tamypu

Mood tracker từ chị Tamypu

Ghi chép lại những điều khiến bản thân vui/không vui, chọn viết nhật kí cũng là một cách tốt để giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn.

“But first, be yourself”.

2. Lên kế hoạch & luyện tập

Việc lên kế hoạch giúp bạn có cảm giác nắm quyền 😎. Chủ động trước những tình huống có thể kéo mood bạn xuống.

Luyện tập sắp xếp lại cảm xúc và chủ động thay đổi từng bước cũng là những thói quen tốt. Ngoài ra luyện tập thể chất cũng là phần không thể thiếu giúp bạn tưới mát và nuôi cấy phần tích cực bên trong. Chúng ta chỉ có tinh thần tốt khi có được một sức khỏe tốt. Dịch bệnh khắp nơi mà cứ bảo người ta suy nghĩ tích cực thì tích cực thì nghĩ kiểu gì 🤨

3. Tích trữ đồ chơi

Giống như việc tích trữ lương thực thực phẩm và mùa dịch thì việc trữ sẵn cho mình những điều làm mình vui phòng những lúc tâm trạng xấu còn có cái mà dùng.

Làm sao để trữ?! Qua hồi tưởng về những cảm xúc tích cực từ trước - hay giang hồ hay gọi là ”ăn mày quá khứ 😥” nghe phèn thế thôi nhưng nó work. Qua những mong đợi những gì sắp đến, và nhìn nhận những điều tích cực ở hiện tại sau đó tìm cách để gia tăng và kéo dài nó. Các kiểu thường thấy: hưởng thụ, thán phục, tự hào và biết ơn.

rocket & groot

4. Đánh không lại thì… bỏ chạy

Chủ nghĩa ”Khắc kỷ” khái quát cuộc sống làm 3 phần chính:

  1. Những điều chúng ta có thể kiểm soát
  2. Những điều chúng ta không thể kiểm soát
  3. Những điều chúng ta có thể kiểm soát một phần

Với những điều tiêu cực mà bạn không thể kiểm soát được nó thì hãy bỏ qua, mặc kệ và không quan tâm đến nó. Đánh không lại thì mình chạy, làm căng 😗 Một người chị ”bad girl” của mình từng nói: ”Em quan tâm chi nhiều rứa, cứ kệ hắn đi“.

Run

5. Tuyệt chiêu cuối: Dìm xuống thật sâu

Thầy Ben từng nói với tụi mình trong tiết học tiếng anh của lớp: Khi mà bạn bị cuốn vào vòng xoáy của tiêu cực thì phải làm gì? Chúng ta thường trốn khỏi nó, tìm cách này cách kia - tuy nhiên thầy cho tụi mình biết thêm một cách nữa đó là hãy dìm nó xuống thật sâu, để cảm xúc tiêu cực rơi tự do sâu nhất có thể.

Cảm giác lúc đó sẽ rất là tệ, cực kì tệ… Nhưng tại sao?!
Con người chúng ta cấu tạo từ ti tỉ thứ, trong đó có một thứ mang tên “nỗi sợ”. Trong những lần rơi sau chúng ta sẽ sợ cảm giác từ lần rơi chạm đáy lần trước, genius 😎

Tóm lại là

Viết dài thế… ai mà đọc =))

Một bài viết huề vốn, lang mang?! Ừ thì nó huề vốn thật mà 😂
Vậy sao còn viết? Vẫn là xuất phát từ bản thân mình trước, mình đã thử tìm nhiều cách để kiểm soát phần tiêu cực bên trong mình, không phải để làm vừa lòng ai hay chối bỏ phần cảm xúc này. Mà để mình sống vui hơn, bớt chầm cảm lại. Một phần nào đó nó cũng phục vụ cho công việc của mình nữa.

Nói đạo lý cho lắm, rồi làm được chưa mà nói? Chưa 🙂 Mình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bản thân. Vậy bao lâu? - có khi mất cả đời lận…

Khi người đàn ông của em đang trở nên lầm lì, Và anh ta đang cố nghe con tim mình thầm thì…

Cảm ơn các bạn vì đã theo dõi đến đây ❤